Osaka City 大阪市

Trang chủ Thành phố Osaka

Mục lục
A guide for living OSAKA

Chuẩn bị ứng phó với thảm họa, tai nạn

Hãy thảo luận trước với gia đình về cách liên lạc và vai trò của các thành viên trong tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, hãy cố gắng xây dựng một cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau ngay trong khu phố.

Bệnh đột ngột, bị thương, v.v...

(1)Khi gọi xe cấp cứu

☎ Xe cấp cứu = 119

* Bạn không cần dùng tiền xu khi gọi từ điện thoại công cộng. Nhấc ống nghe lên và nhấn nút dùng khi khẩn cấp để gọi.
* Khi cần được chăm sóc y tế khẩn cấp do bị bệnh đột ngột, bị thương do tai nạn giao thông, bỏng, ngộ độc, v.v..., hãy gọi điện thoại đến số 119 và bình tĩnh cho biết nơi xảy ra sự cố, tên, số điện thoại, v.v...

Cách gọi số 119119番通報のしかた
Ở đây có hỏa hoạn.
かじです(火事です)。
Kajidesu!
Tôi cần xe cấp cứu.
きゅうきゅうしゃです(救急車です)。
Kyukyusha desu.
Địa chỉ là số C-DDD-EE, khu BBB, quận AAA.
じゅうしょは(住所は) AAA区BBB町C丁目DDD番EE号 です。
Jusho wa AAA区BBB町C丁目DDD番EE号 desu.
Tôi tên là XXXX.
わたしのなまえ(名前)は XXXX です。
Namae wa XXXX desu.
Số điện thoại là 0000000.
でんわばんごう(電話番号)は 0000000 です。
Denwa bango wa 0000000 desu.

Cục Phòng cháy chữa cháy có cung cấp dịch vụ phiên dịch đồng thời trong cuộc gọi (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha) thông qua một công ty phiên dịch cuộc gọi tư nhân, nhằm hỗ trợ những du khách nước ngoài đến thăm thành phố Osaka, du học sinh cư trú trong thành phố, v.v... gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Nhật có thể gọi 119 và ứng phó tại địa điểm xảy ra thảm họa một cách thuận lợi.

Báo bằng FAX119, NET119
<FAX119>
Số FAX là 119 hoặc 06-6538-0119 (có sẵn mẫu FAX được quy định)
Phí gửi FAX đến số 06-6538-0119 sẽ do người dùng chi trả.
<NET119> Bạn cần đăng ký trước bằng điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động mà mình đang dùng để sử dụng NET119.
* Vui lòng truy cập vào trang web của Cục Phòng cháy chữa cháy thành phố Osaka để biết thông tin chi tiết về FAX119 và NET119.
https://www.city.osaka.lg.jp/shobo/page/0000003902.html

Khi thông báo, vui lòng nêu rõ nơi xảy ra sự cố, tình trạng hiện tại (đau ở đâu, v.v...), tên người thông báo, tuổi và giới tính của bệnh nhân, nếu báo bằng FAX119 thì cần ghi rõ số FAX, v.v...

Trạm cứu hỏa
Tên gọi Số điện thoại Số FAX Địa chỉ (Ga gần nhất)
Trạm cứu hỏa Kita TEL:06-6372-0119 FAX:06-6372-4885 19-41 Chayamachi, Kita-ku (Osaka Metro Nakatsu, Hankyu Osaka-Umeda)
Trạm cứu hỏa Miyakojima TEL:06-6923-0119 FAX:06-6923-6444 2-1-8 Miyakojimahondori, Miyakojima-ku (Osaka Metro Miyakojima, JR Sakuranomiya)
Trạm cứu hỏa Fukushima TEL:06-6465-0119 FAX:06-6465-6311 3-17-22 Yoshino, Fukushima-ku (Osaka Metro Nodahanshin)
Trạm cứu hỏa Konohana TEL:06-6461-0119 FAX:06-6461-5572 1-8-30 Kasugadekita, Konohana-ku (Hanshin Chidoribashi, JR Nishikujo)
Trạm cứu hỏa Chuo TEL:06-6947-0119 FAX:06-6942-5745 2-1-6 Uchihommachi, Chuo-ku (Osaka Metro Tanimachi 4-chome và Sakaisuji Hommachi)
Trạm cứu hỏa Nishi TEL:06-4393-0119 FAX:06-4393-0124 1-12-54 Kujominami, Nishi-ku (Osaka Metro Dome-mae Chiyozaki, JR Taisho)
Trạm cứu hỏa Minato TEL:06-6573-0119 FAX:06-6573-0325 1-4-1 Benten, Minato-ku (Osaka Metro - JR Bentencho)
Trạm cứu hỏa Taisho TEL:06-6552-0119 FAX:06-6552-4099 3-5-16 Kobayashihigashi, Taisho-ku (Trạm Kobayashi tuyến Xe buýt thành phố)
Trạm cứu hỏa Tennoji TEL:06-6771-0119 FAX:06-6771-3293 8-5-10 Uehommachi, Tennoji-ku (Osaka Metro Tanimachi 9-chome và Shitennoji-mae Yuhigaoka)
Trạm cứu hỏa Naniwa TEL:06-6641-0119 FAX:06-6634-0119 1-14-20 Motomachi, Naniwa-ku (Osaka Metro Namba)
Trạm cứu hỏa Nishiyodogawa TEL:06-6472-0119 FAX:06-6472-0533 1-10-20 Mitejima, Nishiyodogawa-ku (JR Mitejima)
Trạm cứu hỏa Yodogawa TEL:06-6308-0119 FAX:06-6308-4071 4-10-12 Kikawahigashi, Yodogawa-ku (Osaka Metro Nishinakajima-Minamigata, Hankyu Minamikata)
Trạm cứu hỏa Higashiyodogawa TEL:06-6320-0119 FAX:06-6320-1984 4-4-27 Sugahara, Higashiyodogawa-ku (Hankyu Kamishinjo, Awaji, JR Awaji)
Trạm cứu hỏa Higashinari TEL:06-6971-0119 FAX:06-6971-9412 1-27-13 Oimazatonishi, Higashinari-ku (Osaka Metro Imazato)
Trạm cứu hỏa Ikuno TEL:06-6731-0119 FAX:06-6731-7044 1-13-8 Shariji, Ikuno-ku (Trạm Ikunoshobosho-mae và trạm Oikebashi tuyến Xe buýt thành phố)
Trạm cứu hỏa Asahi TEL:06-6952-0119 FAX:06-6952-0125 1-1-11 Omiya, Asahi-ku (Osaka Metro Sembayashi-Omiya và Keihan Morishoji)
Trạm cứu hỏa Joto TEL:06-6931-0119 FAX:06-6931-0072 3-4-20 Chuo, Joto-ku (Osaka Metro Gamo 4-chome)
Trạm cứu hỏa Tsurumi TEL:06-6912-0119 FAX:06-6912-6043 5-5-45 Yokozutsumi, Tsurumi-ku (Osaka Metro Yokozutsumi)
Trạm cứu hỏa Abeno TEL:06-6628-0119 FAX:06-6628-0925 4-4-30 Matsuzaki-cho, Abeno-ku (Osaka Metro Fuminosato và Tennoji)
Trạm cứu hỏa Suminoe TEL:06-6685-0119 FAX:06-6685-8120 4-11-6 Misaki, Suminoe-ku (Osaka Metro Suminoekoen)
Trạm cứu hỏa Sumiyoshi TEL:06-6695-0119 FAX:06-6695-4001 1-1-9 Oriono, Sumiyoshi-ku (Nankai Abikomae)
Trạm cứu hỏa Higashisumiyoshi TEL:06-6691-0119 FAX:06-6691-1444 3-4-5 Minamitanabe, Higashisumiyoshi-ku (Osaka Metro Komagawa-Nakano và Nishitanabe)
Trạm cứu hỏa Hirano TEL:06-6790-0119 FAX:06-6790-8101 1-2-9 Hirano-minami, Hirano-ku (Osaka Metro Hirano)
Trạm cứu hỏa Nishinari TEL:06-6653-0119 FAX:06-6653-2119 1-4-26 Kishinosato, Nishinari-ku (Osaka Metro Kishinosato và Tengachaya)
Trạm cứu hỏa Suijo TEL:06-6574-0119 FAX:06-6574-0140 3-1-47 Chikko, Minato-ku (Osaka Metro Osakako)

(2)Vào ngày nghỉ và ban đêm

Nếu đột ngột bị bệnh vào Chủ nhật, ngày lễ, các ngày cuối năm - đầu năm hay vào ban đêm, bạn có thể đến khám tại các phòng khám khẩn cấp. Vui lòng đảm bảo mang theo thẻ bảo hiểm y tế, v.v... khi đến khám bệnh.

Phòng khám khẩn cấp Chuo 4-10-13 Shimmachi, Nishi-ku ☎ 06-6534-0321
Khoa Nội - Khoa Nhi Ngày thường 22:00 ~ 5:30 ngày hôm sau
Thứ Bảy (trừ ngày lễ, các ngày cuối năm và đầu năm) 15:00 ~ 5:30 ngày hôm sau
Chủ nhật, ngày lễ, các ngày cuối năm và đầu năm (30/12 ~ 4/1) 17:00 ~ 5:30 ngày hôm sau
Khoa Mắt - Khoa Tai mũi họng Ngày thường 22:00 ~ 0:30 ngày hôm sau
Thứ Bảy (trừ ngày lễ, các ngày cuối năm và đầu năm) 15:00 ~ 21:30
Chủ nhật, ngày lễ, các ngày cuối năm và đầu năm (30/12 ~ 4/1) 10:00 ~ 21:30
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ
Khoa Nội - Khoa Nhi Chủ nhật, ngày lễ Các ngày cuối năm và đầu năm (30/12 ~ 4/1) 10:00〜16:30
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Miyakojima 1-24-23 Miyakojima-minamidori, Miyakojima-ku ☎ 06-6928-3333
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Nishikujo 5-4-25 Nishikujo, Konohana-ku ☎ 06-6464-2111
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Juso 1-11-26 Jusohigashi, Yodogawa-ku ☎ 06-6304-7883
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Imazato 3-6-6 Oimazatonishi, Higashinari-ku ☎ 06-6972-0767
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Sawanocho 4-14-28 Minamisumiyoshi, Sumiyoshi-ku ☎ 06-4700-7771
Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Nakano 2-1-20 Nakano, Higashisumiyoshi-ku ☎ 06-6705-1612

* Khoa Nhi của Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Nakano cũng khám chữa bệnh vào các buổi tối trong tuần (20:30 ~ 23:00).

(3)Phòng khám khẩn cấp

❶Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Juso
1-11-26 Jusohigashi, Yodogawa-ku
☎ 06-6304-7883
❷ Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Miyakojima
1-24-23 Miyakojima-minamidori, Miyakojima-ku
☎ 06-6928-3333
❸Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Nishikujo
5-4-25 Nishikujo, Konohana-ku
☎ 06-6464-2111
❹Phòng khám khẩn cấp Chuo
4-10-13 Shimmachi, Nishi-ku
☎ 06-6534-0321
❺Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Imazato
3-6-6 Oimazatonishi, Higashinari-ku
☎ 06−6972−0767
❻Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Sawanocho
4-14-28 Minamisumiyoshi, Sumiyoshi-ku
☎ 06-4700-7771
❼Phòng khám khẩn cấp ngày nghỉ Nakano
2-1-20 Nakano, Higashisumiyoshi-ku
☎ 06-6705-1612

(4)Cung cấp thông tin về các bệnh viện tiếp nhận ca cấp cứu, v.v...

Nếu bạn không cần gọi xe cấp cứu, nhưng không biết phải đến khám ở bệnh viện nào, vui lòng sử dụng dịch vụ điện thoại dưới đây. (24 giờ/365 ngày)

Trung tâm thông tin y tế khẩn cấp Osaka

☎ 06-6693-1199

Trung tâm cấp cứu Anshin Osaka

☎#7119 Hoặc ☎06-6582-7119

page top

Hỏa hoạn

Khi xảy ra hỏa hoạn

☎ Xe cứu hỏa = 119

* Bạn không cần dùng tiền xu khi gọi từ điện thoại công cộng. Nhấc ống nghe lên và nhấn nút dùng khi khẩn cấp để gọi.
* Khi xảy ra hỏa hoạn, tai nạn giao thông, v.v..., hãy gọi điện thoại đến số 119 và bình tĩnh cho biết nơi xảy ra sự cố, tên, số điện thoại, v.v...

Cách gọi số 119
Ở đây có hỏa hoạn.
かじです(火事です)。
Kajidesu!
Địa chỉ là số C-DDD-EE, khu BBB, quận AAA.
じゅうしょは(住所は)AAA区BBB町C丁目DDD番EE号 です。
Jusho wa AAA区BBB町C丁目DDD番EE号 desu.
Tôi tên là XXXX.
わたしのなまえ(名前)は XXXX です。
Namae wa XXXX desu.
Số điện thoại là 0000000.
でんわばんごう(電話番号)は 0000000 です。
Denwa bango wa 0000000 desu.

Cục Phòng cháy chữa cháy có cung cấp dịch vụ phiên dịch đồng thời trong cuộc gọi (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Tây Ban Nha) thông qua một công ty phiên dịch cuộc gọi tư nhân, nhằm hỗ trợ những du khách nước ngoài đến thăm thành phố Osaka, du học sinh cư trú trong thành phố, v.v... gặp khó khăn trong giao tiếp tiếng Nhật có thể gọi 119 và ứng phó tại địa điểm xảy ra thảm họa một cách thuận lợi.

Báo bằng FAX119, NET119
<FAX119>
Số FAX là 119 hoặc 06-6538-0119 (có sẵn mẫu FAX được quy định)
Phí gửi FAX đến số 06-6538-0119 sẽ do người dùng chi trả.
<NET119>Bạn cần đăng ký trước bằng điện thoại thông minh hoặc điện thoại di động mà mình đang dùng để sử dụng NET119.
* Vui lòng truy cập vào trang web của Cục Phòng cháy chữa cháy thành phố Osaka để biết thông tin chi tiết về FAX119 và NET119.
https://www.city.osaka.lg.jp/shobo/page/0000003902.html

Khi thông báo, vui lòng nêu rõ nơi xảy ra sự cố, tình trạng hiện tại (cái gì đang cháy, v.v...), tên người thông báo, nếu báo bằng FAX119 thì cần ghi rõ số FAX, v.v...

page top

Cảnh sát

☎ Cảnh sát = 110

* Bạn không cần dùng tiền xu khi gọi từ điện thoại công cộng. Nhấc ống nghe lên và nhấn nút dùng khi khẩn cấp để gọi.

Cách gọi số 110 110番通報のしかた
Ở đây có trộm cắp.
どろぼうです(泥棒です)
Dorobo desu.
Ở đây có tai nạn giao thông.
こうつうじこです(交通事故です)。
Kotsu jiko desu.
Ở đây có người bị thương.
けがをしています(怪我をしています)。
Kega o shite imasu.
Xin hãy giúp tôi.
たすけてください(助けて下さい)。
Tasukete kudasai.
Địa điểm là XXXX.
ばしょは(場所は) XXXX です。
Basyo wa XXXX desu.
Địa chỉ là số C-DDD-EE, khu BBB, quận AAA.
じゅうしょは(住所は) AAA く(区) BBB ちょう(町) C ちょうめ(丁目) DDD ばん(番) EE ごうです(号です)。
Jusyo wa AAA ku, BBB cho, C chome, DDD ban, EE go desu.
Tôi tên là XXXX.
なまえは(名前は) XXXX です。
Namae wa XXXX desu.
Số điện thoại là 0000000.
でんわばんごうは(電話番号は) 0000000 です。
Denwa bango wa 0000000 desu.

(1)Tai nạn giao thông

Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, nếu có người bị thương thì trước hết hãy thực hiện các biện pháp cứu hộ. Nếu cần gọi xe cấp cứu thì gọi điện thoại vào số 119. Sau đó, đảm bảo gọi điện thoại báo cảnh sát theo số 110.
Hãy bình tĩnh báo lại nội dung sự việc/tai nạn, vị trí của bạn, tòa nhà làm cột mốc, v.v...

(2)Trộm cắp, v.v...

Nếu bạn gặp phải tội phạm như trộm cắp, v.v..., hãy gọi điện thoại báo cảnh sát theo số 110. Khi đó, hãy bình tĩnh báo lại nơi xảy ra sự việc, tên, số điện thoại, v.v... Ngoài ra, điều quan trọng là bạn nên chuẩn bị trước thông tin để phòng khi cần liên lạc với sở cảnh sát hoặc đồn cảnh sát gần nhà.

Thông báo bằng FAX, email
FAX:06-6941-1022
Các mục cần nêu: Nội dung sự việc, địa chỉ của bạn, tên, số FAX
<email> m110@police.pref.osaka.jp
Các mục cần nêu: Sự việc và địa chỉ (nơi ở hiện tại), tên của người gửi email
Sở cảnh sát
Tên gọi Số điện thoại - Địa chỉ (ga gần nhất)
Sở cảnh sát Oyodo TEL 06-6376-1234 1-5-25 Nakatsu, Kita-ku (Osaka Metro Nakatsu)
Sở cảnh sát Sonezaki TEL 06-6315-1234 2-16-14 Sonezaki, Kita-ku (Osaka Metro Hanshin Umeda, Hankyu Osaka-Umeda, JR Osaka)
Sở cảnh sát Tenma TEL 06-6363-1234 1-12-12 Nishitenma, Kita-ku (Osaka Metro Keihan Yodoyabashi và Kitahama, Keihan Naniwabashi)
Sở cảnh sát Miyakojima TEL 06-6925-1234 1-7-1 Miyakojimakitadori, Miyakojima-ku (Osaka Metro Miyakojima)
Sở cảnh sát Fukushima TEL 06-6465-1234 3-17-19 Yoshino, Fukushima-ku (Osaka Metro Nodahanshin, JR Hanshin Noda, JR Ebie)
Sở cảnh sát Konohana TEL 06-6466-1234 1-3-1 Kasugadekita, Konohana-ku (Trạm Kasugade tuyến xe buýt thành phố Osaka, JR Nishikujo)
Sở cảnh sát Higashi TEL 06-6268-1234 1-3-18 Hommachi, Chuo-ku (Osaka Metro Sakaisuji-Hommachi, Trạm Honmachi 1 Chome tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Minami TEL 06-6281-1234 1-5-26 Higashi-shinsaibashi, Chuo-ku (Osaka Metro Nagahoribashi)
Sở cảnh sát Nishi TEL 06-6583-1234 2-6-3 Kawaguchi, Nishi-ku (Osaka Metro Awaza, Trạm Kawaguchi 1 Chome tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Minato TEL 06-6574-1234 1-6-22 Ichioka, Minato-ku (Osaka Metro - JR Bentencho)
Sở cảnh sát Taisho TEL 06-6555-1234 3-4-21 Kobayashihigashi, Taisho-ku (Trạm Kobayashi tuyến xe buýt thành phố Osaka(trước Sở cảnh sát Taisho))
Sở cảnh sát Tennoji TEL 06-6773-1234 5-8 Rokumantaicho, Tennoji-ku (Osaka Metro Shitennoji-mae Yuhigaoka)
Sở cảnh sát Naniwa TEL 06-6633-1234 5-5-11 Nipponbashi, Naniwa-ku (Osaka Metro Ebisucho, JR Shin-Imamiya, Nankai Shin-Imamiya, Nankai Imamiya Ebisu, Hankai Ebisucho)
Sở cảnh sát Nishiyodogawa TEL 06-6474-1234 2-6-24 Chibune, Nishiyodogawa-ku (JR Mitejima, Trạm Mitejima tuyến xe buýt Hanshin)
Sở cảnh sát Yodogawa TEL 06-6305-1234 3-7-27 Jusohommachi, Yodogawa-ku (Hankyu Juso)
Sở cảnh sát Higashiyodogawa TEL 06-6325-1234 1-6-18 Hoshin, Higashiyodogawa-ku (Hankyu Kamishinjo)
Sở cảnh sát Higashinari TEL 06-6974-1234 1-25-15 Oimazatonishi, Higashinari-ku (Osaka Metro Imazato, Trạm Imazato tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Ikuno TEL 06-6712-1234 3-14-12 Katsuyamakita, Ikuno-ku (Trạm Ikuno Kuyakusho-mae tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Asahi TEL 06-6952-1234 1-4-1 Nakamiya, Asahi-ku (Trạm Asahi Keisatsusho tuyến Xe buýt thành phố Osaka, JR Shirokitakoendori)
Sở cảnh sát Joto TEL 06-6934-1234 1-9-41 Chuo, Joto-ku (Osaka Metro Gamo 4-chome, Trạm Chikatetsu Gamo 4 Chome tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Tsurumi TEL 06-6913-1234 6-1-1 Morokuchi, Tsurumi-ku (Osaka Metro Yokozutsumi, Trạm Tsurumi-kuyakusho-mae tuyến xe buýt Kintetsu/thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Abeno TEL 06-6653-1234 5-13-5 Abenosuji, Abeno-ku (Osaka Metro Abeno, Hankai Matsumushi, Trạm Abenosuji 5 Chome tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Suminoe TEL 06-6682-1234 3-1-57 Shinkitajima, Suminoe-ku (Osaka Metro Suminoekoen, Trạm Chikatetsu Suminoekoen tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Sumiyoshi TEL 06-6675-1234 3-28-3 Higashikohama, Sumiyoshi-ku (Nankai Kohama/Sumiyoshitaisha, Hankai Sumiyoshi)
Sở cảnh sát Higashisumiyoshi TEL 06-6697-1234 2-11-39 Higashi tanabe Higashisumiyoshi-ku (Osaka Metro Komagawa Nakano, Kintetsu Harinakano, JR Minami-Tanabe)
Sở cảnh sát Hirano TEL 06-6769-1234 6-2-51 Kirenishi, Hirano-ku (Osaka Metro Kire-Uriwari, Trạm Kire-nishiike-mae (Higashi) tuyến xe buýt thành phố Osaka)
Sở cảnh sát Nishinari TEL 06-6648-1234 2-4-2 Haginochaya, Nishinari-ku (Osaka Metro Dobutsuen-mae, JR Shin-Imamiya, Hankai Imaike)
Sở cảnh sát Osaka Suijo TEL 06-6575-1234 1-5-1 Kaigandori, Minato-ku (Osaka Metro Osakako, Trạm Osakako tuyến xe buýt thành phố Osaka)

page top

Khi có thảm họa xảy ra và công tác chuẩn bị trong cuộc sống thường ngày

(1)Khi có thảm họa xảy ra

Trung tâm hỗ trợ đa ngôn ngữ khi có thảm họa

Trường hợp xảy ra các thảm họa lớn như động đất, lũ lụt, v.v..., trung tâm sẽ cung cấp các thông tin cần thiết bằng ngoại ngữ cho người nước ngoài gặp nạn.

Hệ thống phòng chống thảm họa Osaka (Tiếng Anh, tiếng Trung Quốc (giản thể, phồn thể), tiếng Hàn Quốc - tiếng Triều Tiên, tiếng Việt, tiếng Indo, tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Thái, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Ý)

Hệ thống này cung cấp nhiều loại thông tin về phòng chống thảm họa như thông tin về động đất, sóng thần, bão và cảnh báo/thận trọng liên quan đến khí tượng, khuyến cáo sơ tán và chỉ thị được ban hành trong tỉnh, đường link liên kết đến các thông tin thiết yếu, v.v...
https://www.osaka-bousai.net/osaka/

Osaka Safe Travels

Đây là trang cung cấp thông tin toàn diện về những thông tin cần thiết khi có thảm họa, v.v... bằng nhiều ngôn ngữ (12 ngôn ngữ).
https://www.osakasafetravels.com/

Bản đồ phòng chống thảm họa theo từng quận

Bản đồ phòng chống thảm họa của từng khu vực được đăng tải tại chuyên mục này.
https://www.city.osaka.lg.jp/kikikanrishitsu/page/0000139402.html

Trường hợp không thể sử dụng điện thoại

Khi thảm họa có quy mô lớn xảy ra, các cuộc gọi từ điện thoại thông thường và điện thoại di động sẽ bị hạn chế.
Hãy sử dụng tổng đài tin nhắn dùng khi có thảm họa của NTT, hoặc bảng tin nhắn khi có thảm họa trên điện thoại di động để liên lạc với gia đình và bạn bè.

① Tổng đài tin nhắn dùng khi có thảm họa 171

NTT West (Điện thoại thông thường: giọng nói)
Quay số “171” và làm theo hướng dẫn để ghi âm hoặc phát lại tin nhắn.

② Bảng tin nhắn khi có thảm họa

Nếu bạn ghi âm lại thông tin về an toàn của mình, gia đình và bạn bè của bạn có thể kiểm tra thông tin đó qua điện thoại di động hoặc máy tính. Vui lòng truy cập vào trang web, v.v... của từng công ty để biết thêm chi tiết.(Điện thoại di động Bảng tin nhắn khi có thảm họa)

Thông báo thông tin thảm họa(Cảnh báo động đất sớm)

Cục Khí tượng Nhật Bản sẽ phát Cảnh báo động đất sớm để thông báo về sự xuất hiện của trận động đất trước khi có rung lắc mạnh, và đối với những khu vực được dự đoán có cường độ địa chấn từ cấp 4 trở lên thì thông báo sẽ được gửi đi trước khi có rung lắc mạnh từ vài giây đến vài chục giây. Cảnh báo sớm sẽ được phát đi dưới dạng phụ đề trên TV với nội dung như “Sắp có rung lắc mạnh”, v.v..., vì vậy, hãy cân nhắc trước về tình huống này để khi động đất xảy ra, bạn có thể nhanh chóng thực hiện các hành động thích hợp bảo vệ bản thân.

(Email cảnh báo khẩn cấp)

Thành phố Osaka sẽ sử dụng dịch vụ email cảnh báo khẩn cấp của các công ty viễn thông di động để gửi đồng loạt các thông tin khẩn cấp như lệnh sơ tán, v.v. đến các thuê bao di động trong nội thành Osaka khi xảy ra thảm họa.

  • Không mất phí khi nhận email
  • Khi bạn nhận được email, nhạc chuông đặc biệt báo hiệu có email đến sẽ vang lên và nội dung sẽ được hiển thị dưới dạng tin nhắn bật tự động.
  • Những du khách đến Osaka đang tạm thời ở trong khu vực cũng có thể nhận được thông tin.

* Tùy vào loại điện thoại di động mà bạn có thể không nhận được email cảnh báo, hoặc cần phải cài đặt điện thoại trước để nhận email.
* Vui lòng truy cập vào trang web của từng công ty để biết thông tin về loại điện thoại có thể nhận email cảnh báo khẩn cấp và cách cài đặt để nhận được email đó.

Thông tin sơ tán từ chính quyền thành phố Osaka (kế hoạch)
  [Cảnh báo cấp 3]
Sơ tán người cao tuổi khỏi những nơi nguy hiểm
[Cảnh báo cấp 4]
Tất cả mọi người sơ tán khỏi nơi nguy hiểm !!
[Cảnh báo cấp 5]
Đảm bảo an toàn khẩn cấp
Tình hình tại thời điểm phát lệnh Có nguy cơ xảy ra thiên tai. Nguy cơ cao xảy ra thiên tai. Thiên tai xảy ra hoặc sắp xảy ra.
Hành động mọi người cần thực hiện Những người cần thời gian để sơ tán (người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, v.v.) cùng người hỗ trợ các đối tượng này sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.
Những người khác chuẩn bị cho việc sơ tán.
Những người khác hãy tự sơ tán, nếu cảm thấy nguy hiểm và cần thiết.
Toàn bộ mọi người sơ tán khỏi nơi nguy hiểm. Trong trường hợp việc di chuyển đến địa điểm lánh nạn được xem là hành động nguy hiểm, hãy sơ tán đến một địa điểm an toàn gần đó hoặc một nơi an toàn hơn trong nhà của bạn. Nguy hiểm đến tính mạng, hãy đảm bảo an toàn cho mình ngay lập tức.

*Nơi lánh nạn không chỉ giới hạn ở các địa điểm lánh nạn công cộng. Hãy bàn bạc trước về việc sơ tán đến nhà của các thành viên trong gia đình, người thân và người quen ở gần đó.

Kiểu chuông báo động (âm thanh cảnh báo) của loa phòng chống thảm họa

Các loa phòng chống thảm họa được lắp đặt trong khu vực thành phố phát đi cảnh báo, lệnh sơ tán, v.v. theo kiểu chuông báo động (âm thanh cảnh báo) được quy định cho từng loại tình huống khẩn cấp.

Loại tình huống khẩn cấp Kiểu chuông báo động (âm thanh cảnh báo) Hành động cần thực hiện
  • Cảnh báo về các cuộc tấn công vũ trang như khủng bố, du kích, v.v...
  • Cảnh báo về các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo
Chuông báo động vang lên trong 14 giây
Vào trong nhà, bật TV hoặc radio lên và xác nhận tình hình chi tiết.
Cảnh báo sóng thần lớn
Chuông báo động vang lên trong 3 giây Tạm ngừng 2 giây Chuông báo động vang lên trong 3 giây Tạm ngừng 2 giây Chuông báo động vang lên trong 3 giây
Tránh xa bờ biển và khu vực sông, sơ tán lên các tầng cao từ tầng 3 trở lên của tòa nhà vững chắc như tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần, v.v...
Cảnh báo sóng thần
Chuông báo động vang lên trong 5 giây Tạm ngừng 6 giây Chuông báo động vang lên trong 5 giây
Tránh xa bờ biển và khu vực sông, sơ tán lên các tầng cao từ tầng 3 trở lên của tòa nhà vững chắc như tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần, v.v...
Cảnh báo cấp 4
Chuông báo động vang lên trong 10 giây Tạm ngừng 10 giây Chuông báo động vang lên trong 10 giây Tạm ngừng 10 giây Chuông báo động vang lên trong 10 giây
Nhanh chóng sơ tán tất cả mọi người khỏi những nơi nguy hiểm. Ngoài việc sơ tán đến các địa điểm lánh nạn được chỉ định, có thể ngay lập tức sơ tán đến một địa điểm an toàn gần đó hoặc đến một nơi cao hơn trong nhà.
Cảnh báo cấp 5
Chuông báo động vang lên trong 20 giây Tạm ngừng 10 giây Chuông báo động vang lên trong 20 giây Tạm ngừng 10 giây Chuông báo động vang lên trong 20 giây
Hành động thích hợp nhất để bảo vệ tính mạng bản thân như sơ tán ngay đến một nơi an toàn gần đó hoặc đến một nơi cao hơn trong nhà.
Cảnh báo động đất sớm (cường độ địa chấn từ 5 độ yếu trở lên)* Âm thanh chuông báo Cảnh báo động đất sớm Thực hiện ngay các hành động thích hợp để bảo vệ bản thân.

* Cảnh báo động đất sớm đôi khi không được phát đi trong trường hợp chấn tiêu ở gần và rung lắc được dự đoán sẽ đến sớm, vì cảnh báo sẽ được phát đi sau khi rung lắc bắt đầu.

Nơi lánh nạn và địa điểm lánh nạn

Bạn có thể tìm kiếm những nơi lánh nạn, địa điểm lánh nạn bằng Hệ thống phòng chống thảm họa Osaka.
https://www.osaka-bousai.net/osaka/

[Nơi lánh nạn]
Nơi lánh nạn khi có thảm họa Các cơ sở mà những cư dân không thể sống ở nhà do bị ngập hoặc đổ sập được phép ở tạm trong những ngày sơ tán. Ví dụ như nhà thi đấu trong trường học, v.v...
Nơi lánh nạn phúc lợi Nơi lánh nạn dành cho những người cần được quan tâm đặc biệt đối với sinh hoạt ở nơi lánh nạn tập thể trong trường hợp có thảm họa như người cao tuổi, người khuyết tật, v.v...
[Địa điểm lánh nạn]
Địa điểm lánh nạn diện rộng Nơi lánh nạn dành cho trường hợp xảy ra hỏa hoạn quy mô lớn và lan rộng như các công viên rộng an toàn khi có hỏa hoạn, v.v...* Tuyến đường sơ tán → Các con đường an toàn để đi đến địa điểm lánh nạn diện rộng.
Địa điểm lánh nạn tạm thời Nơi lánh nạn tạm thời khi có động đất, v.v..., chẳng hạn như công viên, quảng trường, sân thể thao trong trường học, v.v...
Tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần, tòa nhà lánh nạn khi có lũ lụt Nơi lánh nạn khẩn cấp khi có sóng thần hoặc lũ lụt (ngập lụt trên khu vực sông), chẳng hạn như các tầng cao từ tầng 3 trở lên của tòa nhà cao tầng kiên cố, v.v...
Người gặp khó khăn khi về nhà

Nếu nhiều người cùng di chuyển vào thời điểm các phương tiện giao thông công cộng ngừng hoạt động do thiên tai như động đất lớn, v.v. thì sẽ có nguy cơ té ngã hàng loạt do mọi người tập trung về nhà ga; nguy cơ thương vong do vật thể rơi từ trên cao xuống trên đường về nhà; nguy cơ cản trở lối đi của xe cấp cứu;...Vì vậy hãy ở lại một nơi an toàn ví dụ như nơi làm việc của bạn.
Sau đó, bạn hãy xác nhận các phương tiện giao thông đã hoạt động trở lại và sự hỗn loạn đã lắng xuống rồi mới trở về nhà.
Nếu đang đi bộ về nhà trong trường hợp xảy ra thảm họa, bạn có thể nhận được các dịch vụ hỗ trợ như nước sinh hoạt, nhà vệ sinh và thông tin đường đi tại các trạm xăng và cửa hàng tiện lợi có biểu tượng bên phải.

(2)Chuẩn bị thường ngày

Hãy chuẩn bị ứng phó với thảm họa

Để giảm thiểu thiệt hại do động đất, việc chuẩn bị từ trước là rất quan trọng. Hãy cùng các thành viên trong gia đình cân nhắc về vấn đề an toàn tại chính khu vực xung quanh mình.

  1. Cố định những đồ nội thất lớn, v.v... để chúng không bị đổ.
  2. Cho các vật dụng mang theo lúc khẩn cấp vào túi, v.v... để bạn có thể mang đi ngay lập tức.
  3. Chuẩn bị thức ăn và nước uống dùng trong 3 ~ 7 ngày.
  4. Xác nhận vị trí của nơi sơ tán gần nhà bạn.
  5. Quyết định địa điểm gặp nhau, cách liên lạc, v.v... với các thành viên gia đình.

Bạn sẽ nhận được thông tin phòng chống thảm họa khi đăng ký Email phòng chống thảm họa.

Nếu bạn đăng ký địa chỉ email trên điện thoại di động của mình với dịch vụ “Email phòng chống thảm họa” của Hệ thống phòng chống thảm họa Osaka, bạn sẽ nhận được thông tin khí tượng, động đất, sóng thần, v.v... qua email (Hỗ trợ nhiều ngôn ngữ (14 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng Nhật))).
Cách đăng ký (Làm theo cách tương tự nếu bạn muốn hủy đăng ký.)
Khi gửi một email trống đến “touroku@osaka-bousai.net”, bạn sẽ nhận được email dùng để đăng ký (hoặc hủy đăng ký).

page top

Động đất, sóng thần

Nhật Bản là quốc gia thường xuyên xảy ra động đất. Vì vậy, điều quan trọng là trong cuộc sống hằng ngày, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho những tình huống xấu có thể xảy ra.

(1)Để bảo vệ bảo thân trong trường hợp động đất xảy ra

[Khi động đất xảy ra]

Trường hợp đang ở nhà
(Giữ bình tĩnh)
Bạn không thể phán đoán ngay điều gì đã xảy ra. Dù rung lắc chỉ diễn ra vài giây nhưng bạn có thể sẽ cảm thấy rất dài. Trước hết, đừng hoảng loạn và giữ bình tĩnh.
(Che chắn cơ thể)
Điều đầu tiên cần làm là bảo vệ cơ thể mình. Hãy bảo vệ cơ thể bằng vật gì đó chắc chắn để không bị mắc kẹt dưới đồ đạc hoặc trần nhà.
(Khi đang ngủ)
Bảo vệ đầu bằng chăn nệm hoặc gối, và nấp ở những nơi mà đồ đạc không rơi vào người như dưới gầm giường, v.v... Hãy chú ý đến những thay đổi trong phòng do động đất gây ra.
(Khi đang nấu ăn, v.v...)
Hãy nấp dưới gầm bàn, v.v..., khi rung lắc giảm thì nhanh chóng tắt bếp, bàn ủi và khóa van gas chính. Các thiết bị đo lưu lượng khí gas tự động ngắt nguồn cấp gas khi cảm nhận được sự rung lắc mạnh ngày càng được lắp đặt nhiều, nhưng bạn cũng hãy đảm bảo lắp đặt bình chữa cháy vì có nguy cơ xảy ra cháy lan.
(Tránh xa đám cháy)
Khí đốt đô thị sẽ được ngắt tự động khi có động đất với cường độ tương đương từ cấp 5 trở lên. Đừng cố gắng dập lửa mà hãy tránh xa ra cho đến khi rung lắc giảm bớt.
(Khi đang tắm hoặc đi vệ sinh)
Đừng vội vàng chạy ra ngoài, hãy mở cửa ra vào và cửa sổ để đảm bảo lối thoát ra. Nếu bạn đang tắm, hãy tắt lửa sau khi tình trạng rung lắc đã giảm bớt.
Trường hợp đang ở ngoài
(Khi đang lái xe ô tô)
Việc phanh dừng xe đột ngột có thể gây ra tai nạn. Hãy giữ chắc tay lái và dừng xe ở bên trái đường bằng phương pháp an toàn nhất có thể như từ từ giảm tốc độ, v.v... Nếu không còn cách nào khác mà bạn buộc phải để xe trên đường và sơ tán, thì vui lòng để chìa khóa trong xe, tắt máy, đóng cửa sổ và không khóa cửa. Ngoài ra, hãy dán một tờ giấy ghi số điện thoại liên lạc và tên của bạn lên mặt trong kính chắn gió, v.v..., và đừng quên mang theo những vật có giá trị như giấy chứng nhận kiểm định ô tô, v.v...
* Nếu bạn đang lái xe trên đường cao tốc thì cũng đừng hoảng loạn, hãy giảm dần tốc độ, tấp vào lề và dừng xe lại. Các lối thoát hiểm được bố trí cách nhau khoảng 1km, vì vậy, hãy chú ý đến tình hình xung quanh và đi sơ tán.
(Khi đang đi trên xe buýt)
Nắm chặt phần đệm ghế phía trước hoặc tay nắm giữ thăng bằng, hoặc ngồi xổm xuống để bám vào chân ghế. Ngay cả khi rung lắc giảm bớt, bạn cũng đừng vội vàng chạy ra ngoài mà hãy làm theo hướng dẫn của tài xế.
(Khi đang đi trên tàu điện)
Nắm chặt tay nắm giữ thăng bằng hoặc tay vịn bằng cả hai tay. Nếu bạn đang ngồi trên ghế, hãy nghiêng người về phía trước và bảo vệ đầu bằng tạp chí, túi xách, v.v... Đừng vội vàng xuống tàu mà hãy làm theo hướng dẫn của nhân viên đoàn tàu. Trong trường hợp đi tàu điện ngầm, dòng điện cao thế chạy bên cạnh đường ray có nguy cơ gây giật điện.
(Khi đang đi thang máy)
Một số thang máy có thể tự động dừng ở tầng gần nhất nhờ thiết bị kiểm soát khi có động đất, hãy nhấn nút cho tất cả tầng và ra khỏi thang máy ở tầng mà thang dừng. Nếu bạn bị mắc kẹt bên trong, đừng hoảng loạn dù xung quanh tối đen do mất điện, hãy bình tĩnh và đợi cứu hộ.
(Khi đang ở trong khu mua sắm dưới lòng đất)
Hãy lại gần một cây cột lớn hoặc bức tường và đợi rung lắc ngừng lại. Các lối ra cách nhau khoảng 60m và ngay cả khi mất điện, đèn dẫn hướng vẫn sẽ bật sáng, vì vậy hãy bình tĩnh và làm theo hướng dẫn phát qua micrô. Nếu xảy ra hỏa hoạn, hãy che mũi và miệng bằng khăn tay, v.v..., hạ thấp người và di chuyển dọc theo tường để sơ tán lên trên mặt đất.
(Khi đang ở nơi làm việc)
Tránh xa cửa sổ, tủ đựng đồ, kệ tài liệu, v.v..., và nấp dưới gầm bàn, v.v... để bảo vệ bản thân.
(Khi đang ở trong khu vực có các tòa nhà văn phòng)
Kính cửa sổ của tòa nhà có thể bị vỡ và rơi xuống. Hãy di chuyển đến nơi an toàn.
(Khi đang ở trên cầu)
Nếu bạn đang ở trên cầu hoặc cầu vượt cho người đi bộ, hãy nắm chặt tay vịn hoặc hàng rào để không bị văng ra khỏi cầu do rung lắc. Khi rung lắc ngừng thì rời khỏi nơi đó ngay lập tức.
(Khi đang ở bờ biển hoặc bờ sông)
Chú ý sóng thần, hãy rời khỏi nơi đó và sơ tán ngay đến địa điểm an toàn như vùng đất cao, v.v...
[Ngay sau trận động đất, khi rung lắc đã dừng lại]
(Bật radio hoặc TV lên)
Kiểm tra thông tin càng sớm càng tốt và bình tĩnh hành động.
(Gia đình có ổn không?)
Nếu có người bị thương, hãy cân nhắc đến việc tự mình hoặc nhờ hàng xóm giúp đỡ để đưa người bị thương đến bệnh viện.
(Mang giày, dép đi trong nhà và cẩn thận với kính trong phòng)
Kính vỡ, v.v... nằm bên trong và bên ngoài nhà bạn rất nguy hiểm. Tuyệt đối không đi lại bằng chân trần và luôn mang dép đi trong nhà, v.v...
(Cẩn thận với dư chấn)
Nếu bạn đi ra ngoài, hãy chuẩn bị ứng phó cho tình huống nhà bị đổ sập và mặc trang phục an toàn để bảo vệ bản thân.
(Sơ tán tránh sóng thần)
Với những người đang ở trong khu vực dự kiến ​​sẽ bị ngập lụt bởi sóng thần, chẳng hạn như khu vực gần bờ biển hoặc các con sông, v.v..., hãy sơ tán càng sớm càng tốt đến các tầng cao từ tầng 3 trở lên của tòa nhà bê tông cốt thép như tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần, v.v...
(Trường hợp ở nhà chung cư)
Mở cửa ra vào và cửa sổ để đảm bảo các lối thoát hiểm. Tuyệt đối không sử dụng thang máy để đi sơ tán. Khi xảy ra hỏa hoạn, hãy cúi thấp người để không bị bén lửa hoặc hít phải khói, và sử dụng cầu thang bộ để sơ tán.
(Khi bạn rời khỏi nhà, hãy để lại thông tin)
Khi vào sống ở nơi lánh nạn hoặc tạm thời sơ tán đến địa điểm bên ngoài khu vực, hãy để lại thông tin điểm đến và thông tin liên lạc ở trước nhà mình.
(Không lái xe ô tô để đi sơ tán)
Theo nguyên tắc, không được đi sơ tán bằng xe ô tô, vì có thể việc sơ tán sẽ bị chậm trễ do ùn tắc giao thông, và để chừa đường thông thoáng cho các phương tiện khẩn cấp đi qua.
[Giúp đỡ lẫn nhau trong khu phố cũng là điều rất quan trọng!]
  • Hãy hỏi thăm lẫn nhau trong khu phố và xác nhận xem mọi người có an toàn không.
  • Nếu có người bị đè dưới các tòa nhà hoặc đồ đạc trong nhà, v.v..., hãy vừa lưu ý đến rò rỉ gas, rò rỉ điện và dư chấn, vừa phối hợp với hàng xóm để giúp đỡ họ.
  • Hãy cẩn thận với dư chấn, đồng thời mang theo thức ăn, nước uống có ở mỗi nhà và cùng chia sẻ với nhau.
  • Nếu có người bị thương, hãy sơ cứu cho họ. Hãy đưa những người bị thương nặng đến bệnh viện hoặc trạm cứu hộ.
  • Nếu xảy ra hỏa hoạn, hãy sử dụng bình chữa cháy hoặc máy bơm xách tay, v.v... và phối hợp với hàng xóm để dập lửa.
  • Xẻng, dây thừng và xà beng, v.v... rất hữu ích cho công tác cứu hộ. Hãy tận dụng các dụng cụ làm mộc gia dụng và thiết bị dùng cho cứu hộ được trang bị tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, công viên, v.v...
  • Có thể sẽ xảy ra tình trạng tội phạm ác ý lợi dụng thảm họa. Hãy giữ an toàn cho khu phố bằng cách thay phiên nhau tuần tra xung quanh, v.v... tùy theo tình hình.

(2)Để bảo vệ bản thân trước sóng thần

[①Hãy nhanh chóng sơ tán!]

Sau trận động đất lớn đới Nankai, tỉnh Osaka dự báo một cơn sóng thần cao hơn 1 mét sẽ ập vào thành phố Osaka trong 1 giờ 50 phút.
Thành phố Osaka có trang bị đê ngăn triều để bảo vệ khu vực thành phố khỏi lũ lụt bởi sóng thần, v.v..., tuy nhiên, dựa trên bài học kinh nghiệm rút ra từ trận Đại động đất Đông Nhật Bản (Tohoku), nếu đã có phát cảnh báo sóng thần hoặc cảnh báo sóng thần lớn trong khu vực thành phố Osaka, thì hãy nhanh chóng đi sơ tán.

[②Đặc trưng của sóng thần]
(Nhanh và mạnh)
Ngay cả ở những vùng ven biển, sóng thần cũng tiếp cận với tốc độ của một vận động viên chạy nước rút. Ngoài ra, ngay cả với những con sóng cao cỡ mắt cá chân cũng đủ mạnh đến mức khiến bạn không thể đứng vững.
(Sóng thần chuyển động ngược dòng sông)
Sóng thần chuyển động ngược dòng sông. Cần đề phòng cảnh giác với sóng thần không chỉ ở vùng ven biển mà còn cả ở lưu vực sông.
(Lặp lại nhiều lần)
Sóng thần sẽ ập đến lặp đi lặp lại nhiều lần. Hãy sơ tán đến nơi có địa thế cao cho đến khi các cảnh báo và thận trọng được gỡ bỏ.
(Không phải lúc nào cũng có dòng rút xa bờ)
Theo ghi nhận, trước khi sóng thần đến thì sẽ có dòng rút xa bờ, nhưng đôi khi sóng thần đến mà không có dấu hiệu báo trước.
[③Điểm lưu ý về việc sơ tán]

    Để bảo vệ bản thân khỏi sóng thần, hãy sơ tán đến nơi cao hơn càng sớm càng tốt.

  • Đừng tự phán đoán dựa trên mức độ rung chuyển của trận động đất
    Ngay cả một rung chuyển nhỏ cũng có thể gây ra sóng thần. Cho dù chỉ là một rung chuyển nhỏ, thì việc đầu tiên bạn cần làm vẫn chính là sơ tán.
  • Không sử dụng xe ô tô để đi sơ tán
    Về nguyên tắc, không được sử dụng xe ô tô để đi sơ tán. Điều đó có thể khiến việc sơ tán bị chậm trễ do ùn tắc giao thông.
  • Hãy đi sơ tán “càng nhanh càng tốt”, “càng cao càng tốt”
    Để bảo vệ bản thân trước sóng thần, hãy sơ tán đến nơi càng cao càng tốt, càng sớm càng tốt. Nếu đã bắt đầu ngập lụt, thì phải tranh thủ từng giây từng phút. Hãy sơ tán đến một nơi “cao” hơn là một nơi “xa”. Cố gắng chạy thoát lên các tầng cao từ tầng 3 trở lên của chung cư hoặc tòa nhà gần đó.
Cơ sở lánh nạn khi có sóng thần (tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần, tòa nhà lánh nạn khi có lũ lụt)

Các cơ sở sơ tán sóng thần được đặt tại 17 quận (quận Nishiyodogawa, quận Konohana, quận Minato, quận Taisho, quận Nishinari, quận Suminoe, quận Yodogawa, quận Fukushima, quận Nishi, quận Naniwa, quận Kita, quận Miyakojima, quận Chuo, quận Asahi , quận Joto, quận Tsurumi, quận Sumiyoshi), cũng như năm quận phía đông (quận Higashiyodogawa, quận Higashinari, quận Ikuno, quận Higashisumiyoshi và quận Hirano) dự kiến ​​sẽ không bị sóng thần nhấn chìm nhưng có thể sẽ bị ngập do sông tràn (lũ lụt), và chúng tôi đang tiến hành đảm bảo cơ sở vật chất cho người dân di tản, sơ tán tạm thời và khẩn cấp khỏi sóng thần, v.v.
* Các cơ sở lánh nạn khi có sóng thần tại các quận Fukushima, Konohana, Nishi, Minato, Taisho, Naniwa, Nishiyodogawa, Yodogawa, Suminoe, Nishinari, Kita và Miyakojima còn được gọi là “tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần”; nhưng tại các quận Chuo, Asahi, Joto, Tsurumi, Sumiyoshi, Higashiyodogawa, Higashinari, Ikuno, Higashisumiyoshi và Hirano sẽ được gọi là “tòa nhà lánh nạn khi có lũ lụt”.

Vui lòng truy cập vào trang web của Văn phòng quản lý khủng hoảng để biết thêm về tình hình chỉ định các cơ sở lánh nạn khi có sóng thần.
https://www.city.osaka.lg.jp/kikikanrishitsu/page/0000138173.html

Cơ sở lánh nạn khi có sóng thần (tòa nhà lánh nạn khi có sóng thần, tòa nhà lánh nạn khi có lũ lụt)

page top

Bão lũ

(1)Bão và mưa lớn cục bộ gây thiệt hại lớn

Nhiều cơn bão đến gần và đổ bộ vào Nhật Bản trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, gây ra mưa lớn trên diện rộng trong thời gian dài kèm theo gió mạnh. Ngoài ra, khi bão đến gần và áp suất khí quyển thấp, mực nước biển dâng lên, thêm vào đó gió mạnh thổi nước biển vào bờ biển, làm mực nước biển dâng cao xảy ra triều cường cao.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, thiệt hại do lũ lụt xảy ra thường xuyên do các vành đai mưa tuyến tính hoạt động gây mưa dông lớn liên tục cục bộ trên một khu vực và mưa trong nhiều giờ.
Mây vũ tích (mây dày đặc gây mưa dông) gây mưa lớn tập trung, phát triển nhanh chóng trong thời gian ngắn dẫn đến mưa lớn đột đột, các vành đai mưa tuyến tính hình thành do các đám mây vũ tích xuất hiện nối tiếp nhau và kéo dài, từ đó gây mưa lớn trong thời gian dài.

Đặc trưng của lũ lụt ở đô thị

Tại các đô thị lớn, có nhiều khu vực được trải nhựa đường, vì vậy khi lượng lớn nước mưa chảy vào hệ thống cống thoát nước cùng một lúc, đã có những thảm họa nước thải tràn từ các miệng cống và mương thoát nước đổ xuống các khu mua sắm dưới lòng đất và tầng hầm. Khi bạn ở dưới lòng đất, đừng cho rằng mình an toàn, hãy chú ý xem trời mưa như thế nào và thời gian mưa, đồng thời để ý đến những gì đang xảy ra bên ngoài. Vì lực nước chảy từ trên xuống rất mạnh, gây khó khăn cho việc sơ tán lên mặt đất nên nếu lũ lụt được dự đoán sẽ tràn xuống tầng hầm thì bạn hãy sơ tán sớm.

(2)Để bảo vệ bản thân khỏi bão lũ

Thường xuyên chuẩn bị

  • Sử dụng bản đồ nguy cơ lũ lụt để biết được nguy cơ ngập lụt xảy ra ở nơi bạn sống đang ở mức độ nào.
    <Bản đồ nguy cơ lũ lụt>
    https://www.city.osaka.lg.jp/kikikanrishitsu/page/0000299877.html
  • Nắm rõ những nơi nguy hiểm, như những nơi có địa thế thấp hơn khu vực xung quanh, v.v...
  • Xác nhận các địa điểm lánh nạn và tuyến đường sơ tán.
  • Kiểm tra khu vực xung quanh nhà xem có rác hay lá rụng tích tụ trong mương thoát nước hoặc rãnh thoát nước, v.v... hay không, v.v...
  • Những người sống trong khu vực có nguy cơ ngập lụt hoặc ở vùng đất trũng, hãy chuẩn bị sẵn bao cát, v.v...

Chú ý đến thông tin khí tượng

Sử dụng ti vi, radio, điện thoại (177), Internet, v.v. và để ý đến các thông tin như cảnh báo/chú ý, v.v. do Cục Khí tượng Nhật Bản phát đi.

Không đi ra ngoài khi không cần thiết

Không ra ngoài khi có bão đang đến gần hoặc khi có mưa lớn. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, hãy kiểm tra thông tin thời tiết và tránh xa những nơi mà bạn cảm thấy nguy hiểm dù là nhỏ nhất. Đặc biệt việc tham quan bờ kè, bãi biển và sông chính là nguyên nhân dẫn đến xảy ra tai nạn.

Khi có gió mạnh

(Khi đang ở trên đường)
Gió mạnh có thể làm bay mái ngói và biển hiệu, làm ngã đổ cây cối ven đường, v.v... Đừng ráng đi bộ mà hãy sơ tán đến tòa nhà kiên cố gần đó.
(Khi đang ở trong nhà)
Áp lực gió hoặc các vật thể bay có nguy cơ sẽ làm vỡ kính cửa sổ và thổi các mảnh vỡ bay vào trong. Hãy cố gắng không đến gần cửa sổ khi có gió mạnh.
(Khi đang ở bờ biển)
Bạn có nguy cơ sẽ bị rơi xuống biển hoặc bị cuốn vào sóng lớn. Ngoài ra còn có nguy cơ có nước triều dâng cao nên hãy nhanh chóng tránh xa khỏi bờ biển.

Khi trời mưa lớn

(Khi đang ở ven sông)
Cố gắng không đến gần bờ sông vì có nguy cơ nước sông đột ngột dâng cao do mưa lớn ở thượng nguồn. Nếu có thông tin sơ tán, hãy nhanh chóng sơ tán lên các tầng cao từ tầng 3 trở lên của tòa nhà.
(Khi đang lái xe ô tô)
Tầm nhìn khi trời mưa rất kém và có thể việc điều khiển vô lăng hoặc phanh không được suôn sẻ, vì vậy hãy hạn chế lái xe. Ngoài ra, không đi qua những nơi có nguy cơ ngập đường, chẳng hạn như đường hầm, v.v...

(3)Khi sơ tán trong lúc có bão lũ

Sơ tán khi có nguy cơ ngập lụt khu vực sông

  • Nếu bạn sống ở tầng có nguy cơ bị lũ lụt, chẳng hạn như các tầng dưới của chung cư hay nhà bằng gỗ có một hoặc hai tầng, v.v., hãy sơ tán đến các tòa nhà cao gần đó, hay các địa điểm sơ tán tránh nạn và tòa nhà được chỉ định như tòa nhà sơ tán tránh sóng thần, tòa nhà sơ tán tránh lũ lụt.
  • Những người sống ở tầng không có khả năng bị ngập lụt, như từ tầng 3 trở lên của chung cư, v.v..., hãy đợi ở nơi an toàn trong nhà mình để đảm bảo an toàn.
(Mặc trang phục dễ vận động và an toàn để đi sơ tán)
Hãy bảo vệ đầu khỏi những vật thể bị gió thổi bằng mũ bảo hiểm hoặc mũ trùm đầu phòng chống thảm họa, v.v..., và mang giày chống trượt. Đi chân trần và đi ủng rất nguy hiểm. Cố gắng không để mình bị bận tay
(Khi đang xảy ra ngập lụt thì sơ tán đến tòa nhà cao tầng gần đó)
Nếu khó đến nơi lánh nạn, chẳng hạn như khi đã ngập, v.v..., hãy tạm thời sơ tán đến tòa nhà có từ 3 tầng trở lên ở gần đó.
(Điểm cần lưu ý khi buộc phải sơ tán trong tình trạng ngập lụt)
  • Lưu ý độ sâu
    Mức nước sâu tiêu chuẩn có thể đi lại là 70cm đối với nam và 50cm đối với nữ. Tuy nhiên, dù nước chỉ ngập đến cỡ mắt cá chân nhưng nếu dòng chảy mạnh thì cũng không nên đi lại mà hãy ở lại nơi có địa thế cao và chờ người đến giúp.
  • Lưu ý dưới chân
    Dưới mặt nước có những chỗ nguy hiểm như miệng cống hay mương thoát nước bị bung nắp, v.v... Hãy dùng cây gậy dài, v.v... thay cho gậy đi bộ để vừa đi vừa kiểm tra độ an toàn dưới chân.
  • Không hành động một mình
    Hãy kêu gọi những người hàng xóm và sơ tán theo nhóm. Bạn nên buộc một phần người mình với người khác bằng dây để không bị tách xa nhau.
  • Quan tâm đến trẻ em, người cao tuổi, v.v...
    Hãy cõng người cao tuổi, người bệnh, v.v... trên lưng, đồng thời đeo phao cho trẻ em để đảm bảo an toàn.
Để bảo vệ bản thân khỏi sấm sét
Khi có dấu hiệu mây dông đang đến gần, như nghe thấy tiếng sấm, v.v..., thì nghĩa là sắp có sét đánh. Sét có thể đánh xuống bất cứ đâu, kể cả mặt biển, đồng bằng hay vùng núi, v.v... tùy thuộc vào vị trí của đám mây dông. Nếu có vật gì cao ở gần đó, thì sét có xu hướng đánh xuống qua vật này. Hãy sơ tán đến không gian an toàn càng sớm càng tốt, vì sét dễ đánh xuống người ở những nơi trống trải thoáng đãng như sân chơi, sân gôn, bể bơi ngoài trời, đê chắn, bãi cát, trên biển, v.v..., và những nơi cao như đỉnh núi và sống núi, v.v...
Bên trong các tòa nhà bê tông cốt thép, xe ô tô, xe buýt, tàu hỏa là những không gian tương đối an toàn. Ngoài ra, bên trong các tòa nhà bằng gỗ về cơ bản cũng an toàn, nhưng sẽ an toàn hơn nếu bạn cách xa tất cả thiết bị điện, trần nhà và tường từ 1m trở lên.

page top